Thành tích nổi bật của ngành GD&ĐT thành phố nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
Dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo "nhất tự vi sư - bán tự vi sư" là câu nói khắc cốt ghi tâm của tất cả các thế hệ học sinh. Truyền thống tốt đẹp đó vẫn luôn được nhân dân ta kế thừa và phát huy. Người thầy luôn luôn được mọi người tin yêu, kính trọng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của nghề giáo: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định chính thức lấy ngày 20/11 hằng năm là "Ngày Nhà giáo Việt Nam". Kể từ đó, ngày 20/11 hằng năm đã trở thành ngày hội của giáo giới Việt Nam, là ngày để toàn xã hội tôn vinh những người đã và đang đóng góp bao công sức, bao tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ tình cảm kính trọng, lòng tri ân sâu sắc với các thầy cô.
Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Yên Bái hòa chung với không khí tưng bừng của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, và cũng nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2022 vào ngày 18/11/2022, ngành giáo dục thành phố đã suy tôn và vinh danh các thầy giáo, cô giáo đạt những thành tích xuất sắc tiêu biểu trong lĩnh vực quản lý cũng như giảng dạy. Trong dịp kỷ niệm 40 lần này đã có 01 tập thể được nhận Bằng khen của chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; 01 tập thể, 02 cá nhân được nhận Giấy khen của Giám đốc sở GD&ĐT; 15 tập thể và 50 cá nhân được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố Yên Bái. Và có 01 giáo viên vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, đó chính là cô giáo Vũ Hà Thu Phương, giáo viên dạy môn tiếng Anh của trường tiểu học Nguyễn Phúc thành phố Yên Bái. Trong năm học 2022-2023 cô giáo Phương là một trong 7 cô giáo ở thành phố đã xung phong lên huyện vùng cao Mù Cang Chải để hỗ trợ giảng dạy môn tiếng Anh. Cô giáo Phương đã được vinh dự đến dự buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam do UBND tỉnh Yên Bái tổ chức vào ngày 16/11/2022, cô Phương lại được đại điện cho các thầy giáo, cô giáo để phát biểu. Được nghe bài phát biểu của cô thực sự đã chạm đến trái tim của nhiều người, cô Phương nói em phát biểu xong khi đi xuống hội trường thì có một cô áo tím bắt tay em, về sau em mới biết cô chính là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Sau đây xin mời mọi người hãy cùng thưởng thức những lời phát biểu từ trái tim, từ đáy lòng của cô giáo Vũ Hà Thu Phương.
“Kính thưa các vị đại biểu, thưa toàn thể các thầy cô giáo!
Tôi rất vinh dự được thay mặt cho các thầy cô giáo đang trực tiếp đứng trên bục giảng được nói lên cảm xúc của mình trong buổi Gặp mặt kỉ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam ngày hôm nay.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà cả cha và mẹ đều là giáo viên. Ngay từ bé tôi đã luôn mơ ước sau này lớn lên, mình sẽ trở thành một cô giáo, chỉ đơn giản là để được cầm viên phấn trên tay viết những dòng chữ vào bảng đen. Mơ ước đó đã trở thành hiện thực, tôi đã chính thức trở thành một cô giáo ở tuổi 24. Thời gian thấm thoát đã 15 năm tôi đứng trên bục giảng, không chỉ được truyền đạt những kiến thức cho các em học sinh, được chia sẻ, nuôi dưỡng tình yêu thương với em học sinh, chở nhiều chuyến đò sang sông; Trong quá trình công tác tôi được giao lưu, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm hay và bổ ích trong cả chuyên môn và cuộc sống từ các thầy cô giáo. Trong chuyên môn, tôi đã tham gia liên tục các cuộc thi GVG cấp thành phố, tham gia cuộc thi giáo viên sử dụng thiết bị phòng học thông minh cấp TP và cấp Tỉnh, tham gia cuộc thi cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM. Hưởng ứng phong trào thi đua “đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, với niềm đam mê công nghệ thông tin, tôi luôn tự mày mò, tìm tòi các kiến thức trên Internet, học hỏi đồng nghiệp, tham gia các khóa học để thiết kế những bài giảng hay và sinh động, thiết kế bài giảng e-learning góp phần nhỏ bé của mình vào kho tài liệu số bài giảng dùng chung. Tôi đã chia sẻ những điều thú vị đó với các đồng nghiệp, được các thầy cô đón nhận và phản hồi tích cực. Với xu thế đổi mới, hội nhập toàn cầu tôi đã dạy các tiết học kết nối với các trường trong thành phố, các huyện và các trường ở các quốc gia khác như Mỹ, Ấn Độ, Ukraina. Đặc biệt tôi đã dạy học kết nối chương trình làm quen TA cho 147 HS lớp 5 trường cho trường kết nghĩa Trường PTDTBT TH Vừ A Dính - MCC tại thời điểm trường chưa có giáo viên Tiếng Anh.
Trong 15 năm công tác có những kỉ niệm sẽ đi theo suốt cả cuộc đời, năm 2020 khi đại dịch covid ập đến các thầy cô giáo và các em học sinh trải qua kì nghỉ tết dài nhất trong lịch sử, các em học sinh không đến trường. Bằng sự yêu thích công nghệ, khám phá cách làm kênh youtube, tôi đã cho ra đời rất nhiều các video bài giảng. Ban đầu là để phục vụ cho chính các bạn học sinh trong nhà trường. Các em có thể xem đi xem lại bài giảng của tôi mà không nhất thiết phải dùng điện thoại của bố mẹ, các em có thể xem trên ti vi hoặc các thiết bị thông minh với màn hình rộng hơn đỡ hại mắt hơn. Niềm vui của tôi được nhân lên khi các bạn học sinh ở các trường khác, tỉnh khác cũng biết đến kênh của tôi rất nhiều. Chính vì vậy, tôi đã cùng các thầy cô giáo trên mọi miền tổ quốc chia sẻ những bài giảng hữu ích tới các em. Các thầy cô cũng đã trao đổi với tôi rất nhiều về cách tạo ra các video đó cho học sinh. Tôi đã chia sẻ một cách chân thành và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các bạn đồng nghiệp. Tôi đã góp sức nhỏ bé của mình vào nhu cầu cấp bách tại thời điểm đó là “Tạm dừng đến trường không ngừng việc học”, tạo ra nguồn tài liệu học phong phú và bám sát vào chương trình các em đang học.
Năm học 2022 – 2023, đứng trước tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh tại huyện Mù Cang Chải, tôi đã xung phong lên vùng cao để chia lửa và thấu hiểu những khó khăn mà các thầy cô và các em học sinh nơi đây đang trải qua. Với bầu nhiệt huyết, khắc phục khó khăn trước mắt để đến với vùng cao đầy vất vả và thiếu thốn, ngày đầu tiên khi đặt chân tới ngôi trường tôi về công tác là trường PTDTBT Tiểu học Lao Chải – MCC, tôi cảm tưởng như mình khó có thể chinh phục được con dốc cao cao, đi mãi đi mãi mà vẫn chưa lên tới trường. Cuối cùng rồi cũng lên tới nơi, các thầy cô chào đón tôi bằng ánh mắt thân thiện, nụ cười tươi vui. Mọi người giúp tôi chuyển đồ vào phòng, phòng tôi ở tuy còn đơn sơ, không được giống như ở nhà nhưng tôi cảm nhận được sự chu đáo và chân tình của các thầy cô dành cho tôi. Ôi cái cảm xúc ngày đầu tiên xa nhà nó mới khó khăn làm sao, nhưng tôi đã cố gắng khống chế nỗi nhớ nhà bằng tình yêu thương các em học sinh vùng cao. Ngay tối đầu tiên đặt chân tới ngôi trường tôi dạy, tôi đã làm quen với các bạn học sinh bên khu nhà bán trú, chúng rất ngây ngô mộc mạc, câu đầu tiên tôi chào chúng “Cô chào các con, cô tên là Phương, cô là giáo viên mới về, cô dạy tiếng Anh. Các con có thích học tiếng Anh không?” Tiếng bọn trẻ vang lên “Có ạ”. Từ đầu tiên mà tôi dạy bọn trẻ là “Hello / Hi” chúng bắt âm rất nhanh và nói to, sau đó tôi dạy các con 10 số đếm bằng tiếng Anh. Các bạn học sinh còn dạy tôi xin chào bằng tiếng Mông. Vậy là buổi đầu tiên làm quen đã thành công. Cứ như vậy, cô trò chúng tôi quen nhau rồi thân nhau, cứ nhìn thấy tôi là chúng chào to “Hello teacher”. Giờ ra chơi, các bạn học sinh lớp 4 (lớp mà năm nay chưa có cơ hội được học tiếng Anh ở trường) cứ đứng thập thò ngoài cửa, tôi gọi các con vào phòng. Lúc đầu chúng rụt rè, sau vài câu làm quen chúng đã bạo dạn hơn và nói chuyện với tôi. Tôi theo thói quen nghề nghiệp lại dạy chúng vài từ tiếng Anh, chúng thích lắm.
Lên trên vùng cao công tác, tôi nhận thấy nơi đây các trang thiết bị còn thiếu thốn, điều kiện kinh tế của nhiều em học sinh còn gặp khó khăn nên tôi đã kêu gọi các tổ chức cá nhân ủng hộ cho trường vùng cao và đã nhận được sự ủng hộ từ những người bạn, các doanh nghiệp... Tôi luôn cố gắng đem hết khả năng, tâm huyết của mình vào trong các tiết dạy, hòa mình với các con. Với những chuyến thăm của các bậc phụ huynh từ bản ra thăm con, tôi đã nhận được tình cảm yêu mến của họ, những món quà rất mộc mạc mà lên vùng cao tôi mới có cơ hội được trải nghiệm như củ khoai nướng, túi táo mèo, mấy quả su su,... Tất cả gói gọn trong hai chữ “Yêu thương”.
Ngày hôm nay khi đứng trên sân khấu này, tôi cảm thấy mình rất vinh dự và tự hào. Tự hào vì tôi là một cô giáo với một tên gọi trìu mến “Cô giáo Phương”!
Với tư cách được đại diện cho các thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của Đảng, của Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể đã tạo điều kiện ngày càng tốt hơn để các nhà giáo chúng tôi có được môi trường làm việc tốt nhất, được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực; được quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần để chúng tôi yên tâm công tác, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người.
Trong thời gian tiếp theo, bản thân tôi cũng như các nhà giáo trực tiếp làm nhiệm vụ giảng dạy trong toàn ngành càng phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn, tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, giữ gìn cốt cách của người thầy; tích cực học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục trong thời đại công nghệ 4.0.
Tôi xin chân thành cảm ơn sự chú ý lắng nghe của các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo. Xin kính chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công trên cương vị công tác của mình. Kính chúc các thầy cô giáo dồi dào sức khỏe, chở những chuyến đò sang sông cập bến an toàn, chở nặng yêu thương, gieo mầm ước mơ – khát vọng và gặt hái thật nhiều thành công! Tôi xin trân trọng cảm ơn”.
Nội dung bài viết trong ngoặc kép là những lời phát biểu của cô giáo Vũ Hà Thu Phương, chúc cô giáo luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tiếp tục mang ngọn lửa nhiệt huyết để cống hiến cho ngành Giáo dục của tỉnh Yên Bái nói chung và giáo dục thành phố Yên Bái. Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố luôn tự hào về cô./.